Cần tăng cường kiểm tra, xử lý các loại thực phẩm tự gắn mác “sạch” để bảo vệ người tiêu dùng.

Cần tăng cường kiểm tra, xử lý các loại thực phẩm tự gắn mác “sạch” để bảo vệ người tiêu dùng.

Quy trình biến những con lợn ốm, lợn chết thành thịt lợn mán sạch được Đài Truyền hình Việt Nam
Quy trình biến những con lợn ốm, lợn chết thành thịt lợn mán sạch được Đài Truyền hình Việt Nam

 

Thời gian gần đây, nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm không bảo đảm chất lượng bị các cơ quan chức năng và dư luận phanh phui, trong đó có nhiều loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, chất lượng quá kém, mất an toàn, thậm chí gây ngộ độc thực phẩm, nguy hiểm đến tính mạng, khiến người tiêu dùng ngày càng mất lòng tin. Trong bối cảnh đó, đã xuất hiện những sạp hàng sạch ‘tự phong” như: Thịt lợn sạch, thịt bò sạch, rau củ quả sạch… nói chung là thực phẩm và nông sản sạch. Như đánh trúng tâm lý của người tiêu dùng trong thời buổi không biết “mua gì, ăn gì”, những sạp thực phẩm sạch theo kiểu “tự phong” đã tỏ ra khá hút khách.

Theo quan sát của phóng viên, hiện nay, bên cạnh các địa chỉ bán nông sản sạch, thực phẩm sạch đã được xác nhận kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm theo chuỗi, do cơ quan chức năng công bố thì ở Hà Nội cũng có rất nhiều các sạp hàng thực phẩm sạch “tự phong” xuất hiện như ở khu vực quận Cầu Giấy có “Điểm bán thịt lợn sạch Hòa Bình”, điểm bán gạo sạch ở chợ Hàng Xanh. Ở các chợ lẻ tại các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông … cũng xuất hiện nhiều hàng rau, củ quả sạch, trong khi không có một cơ quan chức năng nào kiểm soát về xuất xứ, mà chỉ là những cam kết miệng và những tấm biển hiệu có nội dung quảng cáo của người bán. Tuy vậy, vẫn có nhiều người tiêu dùng tin tưởng vào những thứ thực phẩm “sạch” ấy và mua về dùng. Với thực trạng đó, chẳng có gì bảo đảm là người tiêu dùng sẽ an toàn khi sử dụng các loại thực phẩm trên.

Trong một chương trình phát sóng mới đây trên Đài Truyền hình Việt Nam, một phóng sự điều tra về nguồn gốc những sạp thịt lợn mán đang được bán hàng ngày ở chợ tạm Thành Công (Hà Nội) đã khiến nhiều người phải ngỡ ngàng…

Theo đó, lợn mán sạch mà một số người tiêu dùng Hà Nội sử dụng hàng ngày là những con lợn nặng từ 20 – 30kg, đầy mẩn đỏ trên người, ốm yếu, không thể di chuyển, thậm chí cả lợn chết đã được thương lái Vĩnh Phúc mua thu gom các nơi về lò mổ. Sau khi chọc tiết, lợn sẽ được thui kỹ trong rơm, rồi được “phù phép” thành lợn mán sạch. Tiểu thương xẻ thịt gọn gàng, chất lên xe, thẳng tiến về chợ tạm Thành Công, Hà Nội. Được ngụy trang bằng bề ngoài với lớp bì mỏng vàng ươm, thịt không có mỡ, những con lợn ốm, lợn chết đã đánh lừa những người tiêu dùng ở Hà Nội suốt một thời gian dài dưới “mác” lợn mán sạch mà chẳng ai hay(?!).

Thêm nữa, những sản phẩm có gắn thêm chữ “sạch” giá thường cao hơn rất nhiều lần các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Vì thế, các cửa hàng, tiểu thương đã đua nhau gắn mác “sạch” cho thực phẩm của mình, từ đồ tươi cho đến đồ khô để trục lợi bất chính, thậm chí có dấu hiệu gian lận, lừa đảo, bất chấp sự an toàn sức khỏe của người tiêu dùng.

Về vấn đề nhận biết thực phẩm sạch, không sạch khác nhau ra sao, ông Trần Quang Trung – nguyên Cục trưởng Cục Vệ sinh an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Bằng mắt thường thì khó có thể nhận biết được đâu là thực phẩm an toàn. Chẳng hạn như miến, người ta hay tẩy trắng, nhuộm màu nên có màu bất thường và người tiêu dùng có thể dựa vào đó để nhận biết được, còn với những thực phẩm khác thì chịu. Để có thực phẩm an toàn, cái cần phải quan tâm là nguồn gốc, xuất xứ của thực phẩm ấy. Tốt nhất, người tiêu dùng nên chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, ở những địa chỉ có uy tín”.

Có một điều dễ nhận thấy là theo quy định, thực phẩm sạch phải được dán tem an toàn, có ghi rõ thời gian, nơi sản xuất, mã số của cơ sở sản xuất và có sự công khai về giá cả. Tuy nhiên, hiện nay, trên thị trường, nhiều loại thực phẩm được gắn mác “sạch” lại do chính cơ sở sản xuất, người bán tự in nhãn mác cho thực phẩm của mình để đánh lừa người tiêu dùng. Trước thực trạng này, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, quản lý các loại thực phẩm, nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Nghị định 99/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp: Mức xử phạt cao nhất với doanh nghiệp vi phạm là 500 triệu đồng, với cá nhân là 250 triệu đồng. Hiệp hội ngành hàng có thể kiện ra tòa, yêu cầu bồi thường thiệt hại. Người tiêu dùng mua nhầm sản phẩm “nhái”, sản phẩm không an toàn thương hiệu, có thể khiếu kiện và được cơ quan chức năng áp dụng Luật Bảo vệ người tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi chính đáng./.

Nguồn: dantri